-
- Tổng tiền thanh toán:
Hướng dẫn cách làm chao bằng phương pháp lên men truyền thống
Chao đậu hủ (hũ) được xem như một loại nước chấm, một loại gia vị, cũng như một loại thực phẩm dùng kèm với rau củ quả, cơm trắng rất ngon. Nhờ vị bùi bùi, béo béo của từng miếng chao mà làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Hơn nữa, Chao đậu hủ khi làm bằng cách ủ truyền thống sẽ béo, mịn và ngon hơn hẳn các loại chao công nghiệp.
Bạn hãy cùng Tinh Hoa Quê Nhà làm hủ chao để dành trong bếp phục vụ cho các món ăn mà bạn yêu thích nhé.
Cách làm chao đậu hủ
Nguyên liệu làm chao đậu hũ truyền thống
- 350g đậu hũ khuôn
- 50g muối hạt
- 350ml nước
- 50ml rượu gạo dưới 30 độ
- 20g muối ăn
- 10g ớt bột
- sa tế, chanh, đường..
Cách làm món chao đậu hũ truyền thống
Bước 1 : Lên men đậu hũ
Bắc nồi lên bếp, cho vào 350ml nước, 1 muỗng cafe muối. Đun cho đến khi nước sôi thì cho phần đậu hủ vào trụng trong vòng 3 phút để tiệt trùng. Sau đó vớt đậu hủ ra và dùng giấy lau khô đậu.
Sơ chế đậu hủ
Lót 1 lớp giấy thấm nước bên dưới, đặt miếng đậu phụ lên, lót thêm 1 lớp giấy bên trên miếng đậu rồi đè vật nặng ( thớt) lên đậu 20 phút cho đậu hũ khô hết nước thì miếng đậu sẽ rắn chắc hơn.
Ép đậu phụ
Sau khi đã ép xong, cắt đậu thành những miếng vuông nhỏ. Dùng 1 khay rộng, bên dưới có lót giấy cho thấm nước, đặt đậu hũ đã cắt lên. Đậy thêm một lớp giấy lên trên đậu, sau đó dùng giấy nilong bọc thật kín khay đậu lại.
Thái miếng và bọc đậu hũ lên men
Để khay đậu hũ này 3-4 ngày ở nơi có ánh nắng mặt trời cho đậu hũ được lên men. Trong suốt thời gian ủ không nên mở đậu hũ ra, đậu hũ cần được ủ kín gió sẽ giúp quá trình lên men thành công hơn.
Ủ lên men đậu hũ
Lưu ý: Khi đậu hũ lên men, chúng ta sẽ quan sát thấy lớp rêu mốc màu vàng, có chỗ xám nhạt hoặc hơi hồng là quá trình lên men đã đạt yêu cầu. Nếu bên ngoài miếng đậu hũ lên men màu đen hoặc màu đỏ là đậu hũ đã hư hỏng.
Thành phẩm đậu hũ lên men
Bước 2: Làm chao
Làm nước ủ chao: Bắc lên bếp 1 nồi nhỏ, thêm vào 350ml nước, 50g muối hạt, đun cho muối tan. Nên dùng muối hạt vì đây là muối nguyên chất, độ mặn vừa phải, ít mặn hơn các loại muối tinh, muối sấy, muối iot.
Nếu không có muối hạt thì chỉ dùng 10gr đến 15gr muối tinh.
Khi nồi nước đã sôi, tắt bếp, để cho nước muối nguội hẳn.
Đun sôi nước muối
Bắc 1 nồi khác lên bếp, cho vào 20g muối ăn, rang muối với lửa nhỏ cho đến khi thấy hạt muối khô là được. Đổ muối đã rang ra đĩa, thêm 10g bột ớt vào trộn đều.
Trộn muối với ớt
Nhẹ nhàng gắp từng miếng đậu hũ lăn qua muối ớt rồi xếp vào hũ. Lúc này miếng chao rất mềm mịn, dễ vỡ nên mọi người nhớ nhẹ tay thôi nhé. Muối sẽ làm cho chao sau khi ngâm không bị nổi váng.
Trộn đậu hũ với muối, ớt
Xếp chao vào hũ xong thì tiến hành rót nước muối vào. Sau cùng, thêm vào hũ 50ml rượu gạo. Rượu ngoài việc gia tăng hương vị còn giúp cho chao được bảo quản và lên men tốt hơn.
Lưu ý: Dùng rượu có nồng độ cồn dưới 30°. Nồng độ cao hơn sẽ có thể làm chao bị đắng.
Lên men chao với rượu
Đậy kín hũ chao lại và mỗi ngày đem phơi nắng liên tục trong 7 ngày. Sau 1 tuần phơi nắng, những miếng chao đã nổi lên khỏi đáy hũ nhìn đã rất ngon.
Nhưng để món chao thơm ngon hơn cần ủ thêm chao ở nhiệt độ phòng 1 tuần nữa, 1 tuần này chính là giai đoạn lên men phụ cho chao, để chao thấm béo hơn, ăn ngon hơn.
Thưởng thức thành quả món chao đậu hũ
Những lưu ý khi dùng và bảo quản chao
Cần đựng chao trong hũ thuỷ tinh hoặc sành sứ để tránh hiện tượng ăn mòn, bảo quản chao tốt hơn.
Chao đậu hũ sau khi lên men xong có thể bảo quản được ở nhiệt độ thường 4-5 tháng. Chao càng để lâu càng béo, bùi và thơm hơn.
Vì chao có vị mặn đặc trưng nên các bạn có thể pha chế thêm chanh, đường, tỏi, ớt hoặc sa tế để chấm rau củ luộc, hấp hoặc các món nướng.
Chúc các bạn thành công.
*Hình ảnh và công thức tham khảo kênh youtube Ghiền nấu ăn